13:34 20/03/2020

Ở Hà Tĩnh, doanh nghiệp (DN) tham gia vào lĩnh vực sản xuất không nhiều. Có DN đã trải qua mấy chục năm phát triển, có DN chỉ mới bắt đầu “thử lửa”. Điểm chung nhất của những DN này là có được niềm tin của người tiêu dùng để phát triển sản xuất…

Tăng niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp Hà Tĩnh

Hadiphar đã tạo thương hiệu từ nhiều loại sản phẩm, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Năm 2019, tổng doanh thu của công ty đạt 350 tỷ đồng.

Vào mỗi buổi sáng, những đoàn xe lại nối đuôi nhau chờ nhận hàng ở khu vực kho hàng của Công ty CP Dược Hà Tĩnh đi đến khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2019, tổng doanh thu của công ty đạt 350 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững là DN tiêu biểu của Hà Tĩnh và trở thành DN có uy tín về thuốc, dược phẩm trên cả nước.

Ông Lê Hồng Phúc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Dược là nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài phải tuân thủ các tiêu chí của Luật Dược và những quy định của Dược quốc tế thì tôn chỉ của chúng tôi chính là hướng đến người tiêu dùng. Sản phẩm do công ty sản xuất phải đảm bảo được sự khác biệt, chưa có trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: hiệu quả cao, có nguồn gốc từ nguyên liệu thiên nhiên, giá cả trung bình…”.

Tăng niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp Hà Tĩnh

Đến nay, công ty đã sản xuất trên 500.000 chai gel HADISAFE cung cấp cho thị trường

Chị Nguyễn Thị Thuý Hằng (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trước nay tôi rất tin dùng các sản phẩm của Hadiphar, thế nên khi công ty sản xuất gel rửa tay, tôi đã tìm mua ngay. Mình không chỉ yên tâm về giá mà cả chất lượng nữa”.

Hiện tại, Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã sản xuất 150 sản phẩm thuốc, trong đó, nhiều loại đã tạo được tiếng vang thương hiệu như: Onezon, Mộc hoa trắng, Becberin, Hoàn xích hương…

Đặc biệt, mới nhất là gel rửa tay khô HADISAFE kịp thời ra đời trong thời điểm thị trường Hà Tĩnh khan hiếm sản phẩm phòng dịch, hàng hóa thật - giả lẫn lộn. Sản phẩm này đã đáp ứng các tiêu chí: chất lượng - uy tín - hiệu quả và giá phải chăng.

“Với giá bán 11.000 đồng/chai có dung tích 50 ml, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Các dây chuyền sản xuất liên tục, phân phối khắp các đại lý trong và ngoài tỉnh. Đến nay, công ty đã sản xuất 500.000 chai gel HADISAFE” - ông Phúc cho biết thêm. 

 

Tăng niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp Hà Tĩnh

  Hệ thống chế biến gạo của Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh được đầu tư hiện đại

   Công ty hiện đang có hàng trăm ha vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với bà con nông dân.

Bắt tay vào sản xuất, chế biến các sản phẩm lúa, gạo không phải là sớm, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh (KC Hà Tĩnh) phải chịu không ít thử thách. Và, lựa chọn của công ty giữa cạnh tranh thị trường khốc liệt chính là đưa đến cái mà người tiêu dùng quan tâm nhất.

Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc công ty luôn tâm niệm: “Lâu nay, người tiêu dùng luôn đi tìm gạo sạch, tuy nhiên đang bị đánh đồng bởi quan niệm này với gạo sản xuất tại các vùng quê, sản xuất bởi người nhà của mình.

Thực tế, sản phẩm phải trải qua quá trình sản xuất, chế biến và kiểm định chất lượng ngặt nghèo từ quy trình đến công nghệ. Bởi vậy, KC Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà máy chế biến gạo với công suất thiết kế 20.000 tấn/năm phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu”.

Tăng niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp Hà Tĩnh

Gạo Ngọc Mầm đã lên kệ của nhiều cửa hàng nông sản, siêu thị và được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng đảm bảo.

Bà Trần Thị Minh (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) thay vì tìm mua gạo thơm thái hoặc một số loại gạo thơm miền Nam cho gia đình thì nay chuyển hẳn sang gạo Ngọc Mầm. “Gạo thơm nhẹ, dẻo rất hợp khẩu vị của gia đình. Mặc dù so với nhiều loại gạo quê, giá nhỉnh hơn nhưng nếu tính chi phí chung lại không phải nhiều”.

Hướng vào chế biến sâu, công ty bắt đầu từ xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, từng bước đưa lúa, gạo Hà Tĩnh chuyển hướng từ thị trường thấp đến thị trường cao.

Đến nay, thương hiệu gạo Ngọc Mầm của KC Hà Tĩnh không chỉ có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản mà đã xuất ra nước ngoài. Năm 2019, lần đầu tiên, Hà Tĩnh xuất khẩu 10.000 tấn gạo với kim ngạch đạt 5 triệu USD, tạo bước ngoặt mới cho nền sản xuất hàng hóa lúa gạo.

Mỗi DN sẽ chọn cho mình một mục đích để theo đuổi, nhưng có một chân lý không bao giờ thay đổi chính là đơn vị nào chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thì sẽ giành chiến thắng. Niềm tin ấy phải được xây dựng từ thực chất sản xuất, uy tín và năng lực của DN. 

                                                                                                                                                                                                 Theo Baohatinh.vn